Cập nhật mới nhất danh sách nhiều trường Đại học lớn tuyển bổ sung
November 11, 2017
EasyUni Staff
Đăng ký thành viên tại EasyUni.vn để được cập nhật thông tin Giáo dục nhanh chóng nhất.
Đáng chú ý, có những trường tên tuổi như Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y Hà Nội, Học viện Báo chí và tuyên truyền, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội... các năm trước điểm chuẩn rất cao nhưng năm nay lại xét tuyển bổ sung.
Theo đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xét tuyển bổ sung hơn 2.000 chỉ tiêu, Học viện Tài chính cũng xét tuyển bổ sung hơn 900 chỉ tiêu, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tiếp tục tuyển hơn 800 chỉ tiêu...
Phía Nam: tiếp tục bất ngờ ở các trường y dược
Bất ngờ nhất trong kỳ tuyển sinh ĐH năm nay là việc Trường ĐH Y dược TP.HCM phải xét tuyển bổ sung đến 12/13 ngành với 402 chỉ tiêu. Ngành dược của trường mọi năm điểm rất cao nhưng năm nay lại xét bổ sung 102 chỉ tiêu.
Ở đợt 1, điểm chuẩn ngành dược học 25,25 điểm, nhưng lần xét tuyển bổ sung này trường hạ điểm nhận hồ sơ xuống còn 23,5 điểm. Ngành răng hàm mặt có điểm chuẩn 26 điểm, nay điểm nhận hồ sơ còn 24 điểm.
Chính việc trường hạ điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung khiến không ít phụ huynh, thí sinh rớt đợt 1 do không đạt tiêu chí phụ khá bức xúc.
Một phụ huynh ở TP.HCM kiến nghị: “Nhà trường nên gọi lại các thí sinh điểm cao nhưng rớt do không đạt tiêu chí phụ. Nếu đợt xét tuyển bổ sung điểm chuẩn thấp hơn thì thiệt thòi cho những thí sinh điểm cao hơn bị rớt nguyện vọng 1”.
Theo thông báo của trường, đối tượng xét tuyển là thí sinh không trúng tuyển trong xét tuyển đợt 1, hoặc không nộp giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận học ở trường đã trúng tuyển.
Thí sinh phải có điểm tối thiểu để đăng ký xét tuyển (gồm tổng điểm thi ba môn toán, sinh, hóa không nhân hệ số, không quy tròn) đối với khu vực 3, không ưu tiên, cụ thể: ngành răng hàm mặt 12 chỉ tiêu (điểm tối thiểu: 24); dược học 102 chỉ tiêu (23,5 điểm); kỹ thuật phục hình răng 15 chỉ tiêu (21 điểm); y tế công cộng 27 chỉ tiêu (18 điểm).
Các ngành còn lại có cùng mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển là 20 gồm: xét nghiệm y học 33 chỉ tiêu, y học cổ truyền 69, y học dự phòng 35, kỹ thuật hình ảnh y học 19, điều dưỡng 49, điều dưỡng (gây mê hồi sức) 48, phục hồi chức năng 14, điều dưỡng (hộ sinh) 9.
Như vậy, tất cả các ngành có xét tuyển bổ sung đều giảm từ 1,5 đến 4 điểm so với điểm chuẩn đợt 1. Trong đợt xét tuyển bổ sung này nhà trường vẫn tiếp tục áp dụng các tiêu chí phụ để xác định điểm chuẩn, trong trường hợp số thí sinh đạt điểm chuẩn vượt quá chỉ tiêu.
Tương tự, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng thông báo xét tuyển bổ sung 5/7 ngành với 81 chỉ tiêu, với điểm nhận hồ sơ thấp hơn điểm chuẩn đợt 1 là 1 điểm. Trong số này, ngành điều dưỡng có chỉ tiêu xét tuyển bổ sung nhiều nhất với 49 chỉ tiêu (điểm nhận hồ sơ 20,25 điểm). Ngành răng hàm mặt có điểm trúng tuyển đợt 1 cao nhất (23,25 điểm) vẫn xét tuyển bổ sung thêm 8 chỉ tiêu (điểm nhận hồ sơ 22,25).
Nhà trường cũng dùng tiêu chuẩn phụ để xét nếu đồng điểm, và chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu tại TP.HCM trước ngày 1-7-2016.
Khoa y - ĐH Quốc gia TP.HCM cũng thông báo xét tuyển bổ sung ngành dược học theo tổ hợp môn xét tuyển toán, hóa, sinh với 50 chỉ tiêu. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 21,5 trở lên. Khoa tuyển sinh theo hình thức xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Điểm xét tuyển là tổng điểm ba môn thi toán, hóa, sinh không nhân hệ số.
Đối với các thí sinh bằng điểm sẽ xét theo các tiêu chí bổ sung lần lượt như sau: xét điểm môn hóa, xét điểm môn toán; xét tổng điểm trung bình ba năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12.
Phía Bắc: ồ ạt tuyển bổ sung
Dù các năm trước, nguồn tuyển vào các trường như Trường ĐH Y Hà Nội, Học viện Báo chí và tuyên truyền... khá dồi dào, nhưng sau đợt 1 tuyển sinh 2016, các trường này đều buộc lòng phải xét tuyển bổ sung với chỉ tiêu “khủng” ở hầu khắp các ngành đào tạo.
Ông Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học ở tất cả các ngành của trường chỉ đạt khoảng 71%.
“Đặc biệt, ngành y đa khoa của trường (tại cơ sở đào tạo chính Hà Nội) dù đã tính dôi dư một chút nhưng lần đầu tiên bị thiếu 50 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trường không xét tuyển bổ sung với ngành này” - ông Hinh nói.
Trường chỉ xét tuyển bổ sung ngành y đa khoa phân hiệu Thanh Hóa với 41 chỉ tiêu. Ở đợt xét tuyển bổ sung, trường quyết định tuyển gần 200 chỉ tiêu ở hầu hết các ngành đào tạo.
Ngành có mức điểm nhận hồ sơ thấp nhất là y tế công cộng (từ 20,25 điểm trở lên), ngành có mức điểm nhận hồ sơ cao nhất là y đa khoa (đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa) với mức điểm nhận hồ sơ từ 23,5 điểm trở lên, thấp hơn mức điểm chuẩn đợt 1 từ 1-3 điểm.
Học viện Báo chí và tuyên truyền cũng công bố xét tuyển bổ sung thêm 30% chỉ tiêu. Theo đó, 500 chỉ tiêu bổ sung sẽ được phân bổ cho 18 ngành đào tạo. Ông Mai Đức Ngọc, trưởng ban đào tạo Học viện Báo chí và tuyên truyền, cho biết chưa bao giờ trường phải xét tuyển bổ sung với số lượng chỉ tiêu lớn như vậy.
Đặc biệt, trong khi mức điểm chuẩn đợt 1 ở ngành có điểm chuẩn thấp nhất là 17,5 điểm, thì mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung lại giảm xuống còn 16,5 điểm. Ngành quan hệ công chúng có điểm chuẩn 30,5 điểm, nhưng mức điểm nhận hồ sơ xét bổ sung cũng giảm hơn mức điểm này là 2,5 điểm.
Xem thêm chính sách miễn giảm học phí 2016 tại các nước Châu Âu
(Nguồn: tuoitre.vn)
Kickstart your education in Malaysia
We'll help you find and apply for your dream university
You might be interested in...
- Làm thế nào để giảm căng thẳng cho tân sinh viên Đại học 2019?
- Không thi Đại học 2019: Bạn vẫn sẽ thành công chứ?
- Du học sinh Mỹ cần làm gì để có thể ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp?
- Đừng hỏi lớn lên con muốn làm gì!
- Việt Nam hiện có 30.960 sinh viên đang học ở Mỹ
- Những việc cần làm sau khi bạn bị từ chối visa du học Mỹ
- Bí quyết ‘săn' việc chuẩn không cần chỉnh của du học sinh Việt tại New Zealand
- 10 quốc gia mà bạn có thể du học MIỄN PHÍ. Đúng! Bạn không nghe lầm!
- 4 điều du học sinh cần biết để ở lại làm việc tại Malaysia sau khi tốt nghiệp
- Xúc động câu chuyện người mẹ rửa chén thuê có con gái giành học bổng du học Mỹ