Khoa Quản trị kinh doanh Du lịch, Đại học Hà Nội có 400 chỉ tiêu
November 11, 2017
EasyUni Staff
Khoa Quản trị kinh doanh và Du lịch của Đại học Hà Nội nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT 3 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại Ngữ (ngoại ngữ nhân hệ số 2). Điểm trúng tuyển vào các ngành năm 2015 từ 30.5 trở lên.
Năm 2016, khoa có 400 chỉ tiêu 4 chuyên ngành chính quy: Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị Dịch vụ Du lịch - Lữ hành.
Với các chương trình liên kết, liên thông quốc tế đào tạo cử nhân do các trường Đại Học nước ngoài cấp bằng như Đại học Kent State (Mỹ), Đại học Westminster (Anh) và Đại học Sannio (Italy), thí sinh có thể đăng ký xét tuyển dựa trên học bạ.
Khoa Quản trị kinh doanh và Du lịch sẽ tổ chức buổi tư vấn chọn ngành và hướng dẫn nộp hồ sơ vào ngày 1/8 và 3/8 tại trường. Thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tuyến, qua đường Bưu Điện hoặc trực tiếp tại trường từ ngày 1/8 (buổi sáng từ 8h-11h30, buổi chiều từ 13h30-17h kể cả thứ 7,Chủ Nhật).
Ngoài ra, trường còn tổ chức tour thăm quan trường, gặp gỡ sinh viên đang theo học và hướng dẫn về chuyên ngành vào tất cả các ngày trong thời gian tuyển sinh. Thí sinh có thể đăng ký tham dự để nhận tư vấn thêm về lựa chọn chuyên ngành phù hợp hay các chương trình đào tạo chuyên ngành bằng ngoại ngữ tại đường dây nóng 0988333560, hoặc liên hệ trực tiếp với khoa tại phòng 201C, Km 9, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tìm hiểu thêm thông tin chương trình tại website hoặc facebook, điện thoại: (04) 35533560.
Chương trình học còn tạo cơ hội cho sinh viên học, thực tập và làm việc tại nhiều công ty trong nước và quốc tế. Bắt đầu từ năm 2016, Khoa Quản trị kinh doanh và Du lịch đã triển khai chương trình thực tập sinh tại Mỹ được đài thọ bởi các tổ chức và doanh nghiệp của Mỹ.Khoa Quản trị kinh doanh và Du lịch của Đại học Hà Nội thành lập năm 2002. Tất cả chương trình giảng dạy bằng Tiếng Anh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, sinh viên của khoa có nhiều cơ hội chuyển tiếp sang các trường đại học quốc tế đối tác của khoa. Khoa Quản trị kinh doanh và Du lịch còn kết nối chương trình đào tạo với các chứng chỉ hành nghề chuyên môn như: chứng chỉ Phân tích tài chính (CFA) của Mỹ, chứng chỉ Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA).
Dự báo về ngành Quản trị kinh doanh và Du lịch
Theo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016 (VERP), nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục bước vào một chu kỳ hội nhập quốc tế mạnh mẽ trong 5 năm tới, hứa hẹn nhiều tác động tích cực đến thị trường lao động của Việt Nam. Bên cạnh sự tăng trưởng ổn định đối với lao động phổ thông, nhu cầu tuyển lao động có chuyên môn cao thuộc các khối ngành kinh tế và kinh doanh như Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng hay Du lịch được dự đoán sẽ chú trọng chất lượng hơn trong những năm tới. Do vậy, để nắm bắt cơ hội và thách thức này, học sinh và phụ huynh cần có sự tìm hiểu kỹ càng để đưa ra những quyết định chính xác khi đăng ký vào các cơ sở giáo dục đại học, nhằm trang bị cho mình những năng lực cần thiết, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Theo khảo sát mới đây của Jobstreet, 3 yếu tố quan trọng hàng đầu mà các doanh nghiệp cân nhắc khi ra quyết định tuyển dụng gồm: hiểu biết về lĩnh vực sẽ chịu trách nhiệm, kiến thức chuyên ngành được đào tạo, phương pháp tiếp cận và xử lý tình huống, kiến thức thực tế, kinh nghiệm làm việc (43%); khả năng ngoại ngữ (39%); khả năng thích nghi và cam kết gắn bó (28%).
Theo ông Hoàng Gia Thư - trưởng khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, Đại học Hà Nội sinh viên cần phải có định hướng chính xác trong việc chọn ngành. |
Ngoài ra ông Hoàng Gia Thư - trưởng khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, Đại học Hà Nội chia sẻ những kinh nghiệm giúp thí sinh, phụ huynh trong việc tìm hiểu và đăng ký ngành học:
Chọn chuyên ngành phù hợp để đăng ký
Theo ông Thư, một trong những cản trở lớn nhất đối với sinh viên trong học tập ở bậc đại học là không thực sự yêu thích ngành mình đã chọn. Ông cũng nhiều lần chứng kiến phụ huynh vì lý do “an toàn” nên đã không cho con đăng ký vào những ngành con yêu thích dù điểm của thí sinh đã vượt điểm chuẩn dự kiến mà lại chọn những ngành điểm chuẩn thấp để chắc chắn vào được đại học. Chính vì thiếu đam mê đã khiến việc học tập của sinh viên trở nên vất vả và lãng phí.
Do vậy, việc lựa chọn ngành học phù hợp với thiên hướng nghề nghiệp và năng lực cá nhân là một yếu tố tiên quyết để có thể học tốt và có việc làm tốt trong tương lai.
Tuy nhiên, việc lựa chọn chuyên ngành phù hợp ở bậc đại học hiện nay ở Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn do thí sinh thiếu thông tin về ngành học và chưa nắm được cở sở để lựa chọn. Nhiều thí sinh không phân biệt được sự khác nhau giữa chuyên ngành Kinh tế và Quản trị kinh doanh, hoặc giữa chuyên ngành Tài chính và Kế toán. Mặc dù đây là những ngành có liên quan, những yêu cầu về năng lực và thiên hướng nghề nghiệp của từng ngành hoàn toàn khác nhau.
Để cải thiện vấn đề này, hiện các trường đang rất nỗ lực cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông như trang web trực tuyến, Facebook, cũng như hoạt động tư vấn trực tiếp. Đặc biệt hơn, một số trường như Đại học Hà Nội còn cung cấp công cụ giúp các em hiểu rõ bản thân hơn thông qua trắc nghiệm thiên hướng nghề nghiệp để từ đó có thể chọn ngành học cho phù hợp.
Các bậc phụ huynh và các em học sinh quan tâm đến khối ngành Kinh tế và Kinh doanh nói chung có thể tham dự Ngày hội thông tin Tuyển sinh của Khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch (từ 9h ngày 1/8 tại phòng 102 - Nhà C, Đại học Hà Nội). Chương trình hướng dẫn cụ thể những lưu ý khi nộp hồ sơ xét tuyển, thông tin về các chuyên ngành, và đầu ra của từng chuyên ngành tại Khoa.
Cân nhắc giữa chọn theo trường hay chọn theo khoa
Cũng theo ông Thư, việc tìm kiếm trường theo tên đơn thuần là một thiệt thòi rất lớn nếu các em không hiểu rõ thế mạnh của từng khoa trong trường. Trong quá trình lựa chọn trường hiện nay, nhiều thí sinh vẫn đăng ký vào các trường lớn của khối ngành chỉ vì có tên giống với khối ngành yêu thích mà không thực sự nắm rõ xu hướng đa dạng hóa ngành nghề đào tạo của các trường đại học trong gần 20 năm qua. Như vậy, các em đối mặt với rủi ro bị loại khi đăng ký vào các trường có tên quen thuộc trong khi bỏ lỡ cơ hội được học chuyên ngành yêu thích trong những môi trường phù hợp hơn.
Để tránh rủi ro đó, thí sinh nên tham khảo, đối chiếu và so sánh thông tin của tất cả các trường có đào tạo ngành mình yêu thích ở từng tiêu chí như: chương trình đào tạo, môi trường học tập, các hoạt động ngoại khóa, chuẩn đầu ra hay các cơ hội liên kết du học trong quá trình học. Trong quá trình tìm hiểu, thí sinh sẽ nhận ra môi trường nào phù hợp với mình và giảm thiểu rủi ro trong quyết định lựa chọn của mình.
Đơn cử như Quản trị Kinh doanh và Du lịch (FMT), Đại học Hà Nội, hiện đã có 4 chương trình cử nhân kinh doanh học hoàn toàn bằng tiếng Anh, phù hợp với các bạn có đam mê kinh doanh trong môi trường quốc tế hóa. Chương trình này được các trường đại học lớn ở Mỹ (Ken State University, Purdue University - Calumet), Anh quốc (Westmister. Sheffield Hallam) và trên 20 trường ở Italy công nhận để sinh viên có thể tự do trao đổi học tập giữa các môi trường quốc tế đa văn hóa.
Đại học Hà Nội kết hợp với tổ chức AlmaLaurea (Italia) thực hiện Dự án VOYAGE nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường lao động trong nước và quốc tế cho sinh viên Việt Nam. Dự án được tài trợ bởi Uỷ Ban Châu Âu. |
Cân nhắc chương trình đào tạo có kết hợp nâng cao khả năng ngoại ngữ
Với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), người lao động Việt Nam sẽ được tiếp cận nhiều cơ hội làm việc cho các công ty, tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, theo Jobstreets, nhân lực Việt Nam chỉ đứng hạng 4/5 về tiếng Anh so với khu vực Đông Nam Á. Có 5% sinh viên tốt nghiệp ra trường thực sự tự tin về khả năng tiếng Anh, trong khi 27% thừa nhận kém toàn diện về ngoại ngữ. Đây là điểm yếu lớn, khiến nguồn lực lao động Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế, đặc biệt khi các nhà tuyển dụng sẵn sàng dành mức lương cao hơn cho những ứng viên có trình độ tiếng Anh lưu loát.
Nắm được xu thế này, hiện một số trường đã lồng ghép đào tạo tiếng Anh nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao khả năng hội nhập cho sinh viên. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có đủ kinh nghiệm và nguồn lực để đào tạo ngoại ngữ một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Vì vậy, với những khoa, trường có kinh nghiệm về giảng dạy ngôn ngữ và phát triển đào tạo chuyên ngành trên nền tảng ngôn ngữ sẽ mang lại nhiều lợi thế cho quá trình học tập và phát triển toàn diện của sinh viên, nâng cao tính cạnh tranh của các bạn khi đi xin việc.
Cân nhắc khả năng thích nghi của sinh viên
Một điểm ít được nhắc đến nhưng rất quan trọng để nâng cao tính cạnh tranh của sinh viên khi ra trường chính là khả năng thích nghi. Hiện có nhiều tân cử nhân thất nghiệp do thiếu kinh nghiệm, chậm tiếp thu và thích nghi trong công việc, dễ chán nản khi gặp khó khăn đã quá quen thuộc.
Chính vì vậy, môi trường học tập mang đến cho các em khả năng thích nghi trong mọi hoàn cảnh là cần thiết. Theo ông Thư, nhiều cựu sinh viên sau khi tốt nghiệp từ khoa FMT cho biết chính những vất vả trong quá trình học tập tại Khoa lại trở thành lợi thế giúp các em thich nghi tốt hơn với môi trường mới.
(Nguồn: Vnexpress.net)
Kickstart your education in Malaysia
We'll help you find and apply for your dream university
You might be interested in...
- Làm thế nào để giảm căng thẳng cho tân sinh viên Đại học 2019?
- Không thi Đại học 2019: Bạn vẫn sẽ thành công chứ?
- Du học sinh Mỹ cần làm gì để có thể ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp?
- Đừng hỏi lớn lên con muốn làm gì!
- Việt Nam hiện có 30.960 sinh viên đang học ở Mỹ
- Những việc cần làm sau khi bạn bị từ chối visa du học Mỹ
- Bí quyết ‘săn' việc chuẩn không cần chỉnh của du học sinh Việt tại New Zealand
- 10 quốc gia mà bạn có thể du học MIỄN PHÍ. Đúng! Bạn không nghe lầm!
- 4 điều du học sinh cần biết để ở lại làm việc tại Malaysia sau khi tốt nghiệp
- Xúc động câu chuyện người mẹ rửa chén thuê có con gái giành học bổng du học Mỹ